CHỨC NĂNG CỦA CÁC LOẠI CẢM BIẾN Ô TÔ (PHẦN 1)
Trên các dòng xe ô tô hiện đại ngày nay, hầu hết hoạt động của xe đều thông qua các cảm biến ô tô và bộ điều khiển trung tâm ECU. Cảm biến ô tô cũng như các giác quan trong cơ thể người, nó thu thập các tín hiệu cần thiết giúp máy tính trung tâm điều khiển động cơ làm việc hiệu quả nhất.
Các loại cảm biến ô tô quan trọng nhất và tác dụng của nó.
1. Cảm biến vị trí trục khuỷu: (Crankshaft sensor)
Cảm biến vị trí trục khuỷu có chức năng xác định tốc độ động cơ và vị trí pit-tông. Cảm biến này thường làm việc cùng lúc với cảm biến trục cam giúp máy tính vừa nhận biết vị trí pit-tông, vừa nhận biết vị trí của các su-pap để tính toán thời điểm đánh lửa và lượng nhiên liệu phun vào hợp lý nhất. Cảm biến vị trí trục khuỷu thường lắp ở vị trí gần puly trục khuỷu, phía trên bánh đà hoặc phía trên trục khủy. Đây được coi là cảm biến quan trọng nhất trên động cơ, khi cảm biến này bị lỗi, động cơ có thể gặp hiện tượng Misfire, động cơ bị rung hoặc Backfires. Khi bị hỏng cảm biến này, động cơ sẽ ngừng hoạt động.
2. Cảm biến vị trí trục cam: (Camshaft sensor)
Trong các loại cảm biến trên ô tô thì cảm biến vị trí trục cam có chức năng xác định vị trí của trục cam và cung cấp thông tin cho bộ xử lý trung tâm để tính toán thời điểm phun nhiên liệu hợp lý nhất. Cảm biến này sẽ làm việc song song với cảm biến vị trí trục khuỷu giúp động cơ có thời điểm phun xăng và đánh lửa tối ưu. Cảm biến vị trí trục cam thường được gắn ở đỉnh xy lanh hoặc ở nắp hộp chứa trục cam. Khi cảm biến vị trí trục cam bị lỗi có thể xảy ra một số vấn đề ở động cơ như sau: Khó khởi động xe, động cơ chết đột ngột, động cơ bỏ máy hoặc không đáp ứng tăng tốc, sáng đèn CHECK ENGINE
3. Cảm biến vị trí bướm ga: (TPS sensor)
Cảm biến vị trí bướm ga có nhiệm vụ xác định độ mở của bướm ga và gửi thông tin về bộ xử lý trung tâm giúp điều chỉnh lượng phun nhiên liệu tối ưu theo độ mở bướm ga. Trên các dòng xe sử dụng hộp số tự động, vị trí bướm ga là thông số quan trọng để kiểm soát quá trình chuyển số. Cảm biến vị trí bướm ga thường bố trí phía trong cổ hút. Khi bị lỗi hoặc hư hỏng cảm biến này, động cơ có thể gặp một số vấn đề như: Sáng đèn CHECK ENGINE, xe không tăng tốc kịp thời, bỏ máy, hộp số tự động sang số không bình thường, chết máy đột ngột.
4. Cảm biến áp suất khí nạp: ( Map sensor)
Cảm biến áp suất có nhiệm vụ cung cấp tín hiệu áp suất chân không dưới dạng điện áp hoặc tần số về bộ xử lý trung tâm để tính toán lượng nhiên liệu cần cung cấp cho động cơ. Khi xe ở chế độ không tải hoặc nhả ga, áp suất chân không giảm. Ngược lại, khi tăng tốc hoặc tải nặng, áp suất chân không tăng lên. Cảm biến áp suất khí nạp thường gắn tại đường khí nạp ở cổ hút. Khi cảm biến này bị hư hỏng, xe sẽ có các dấu hiệu như: Sáng đèn CHECK ENGINE và báo lỗi MAP sensor, động cơ nổ không êm, công suất động cơ kém, tốn nhiên liệu, xe nhiều khói.
Nếu cảm biến ô tô của bạn có vấn đề, bạn nên mang xe tới garage uy tín để tiến hành kiểm tra và sửa chữa ngay. Vì những cảm biến này ảnh hưởng rất lớn đến khả năng vận hành và sự an toàn của bạn và cả chiếc xe. Tiên Phong Auto có một đội ngũ chuyên viên tư vấn, kĩ thuật viên giàu kinh nghiệm và hệ thống trang thiết bị hỗ trợ hiện đại sẽ kiểm tra, tư vấn, cung cấp những giải pháp tốt nhất cho bạn với mức chi phí rất cạnh tranh.
Xem thêm:
CHỨC NĂNG CỦA CÁC LOẠI CẢM BIẾN Ô TÔ (PHẦN 2)